Robin van Persie được sinh ra tại Rotterdam trong một gia đình làm nghệ thuật có mẹ là họa sĩ kiêm nhà thiết kế trang sức, còn bố là nhà điêu khắc. Khác xa với đa số cầu thủ sinh ra cùng thời, Robin van Persie không phải lo về miếng ăn cái mặc nhưng thay vào đó anh là một cậu bé khá ngỗ ngược và không có một con mắt thẩm mỹ tinh tường như bố mẹ mình.
Cuộc sống êm ấm của gia đình bổng chốc biến mất khi bố và mẹ anh chính thức ly hôn. Khi đó, bố anh quyết định gửi anh đến học tại câu lạc bộ bóng đá trẻ Excelsior năm 1997 rồi chơi cho Feyenoord hai năm sau đó. Mùa giải 2001-2002, anh bắt đầu con đường chơi bóng chuyên nghiệp khi gia nhập Feyenoord Rotterdam. Tại Feyenoord Rotterdam, Robin van Persie thi đấu đầy ấn tượng và anh đã lọt vào ‘mắt xanh’ của Arsene Wenger. Năm 2004, ‘Giáo sư’ đem Robin van Persie về Highbury với mục tiêu rất rõ ràng: thay thế huyền thoại Dennis Bergkamp.
Tại Arsenal, Robin van Persie đã không làm cho những cổ động viên của ‘Pháo thủ’ thất vọng khi anh đã giúp đội bóng giành ngay danh hiệu F.A Cup ngay trong mùa giải đầu tiên. Anh cùng với Thiery Henry tạo nên mũi tấn công xuất sắc và khi ‘Đứa con của thần Gió’ chuyển sang Barcelona vào năm 2007, Robin van Persie nghiễm nhiên trở thành tiền đạo chủ lực của Arsenal. Cái chân trái đầy sát thương và nguy hiểm đã khuynh đảo cả giải ngoại hạng lúc bấy giờ, khiến cho những hàng thủ xuất sắc nhất của bóng đá Anh lúc bấy giờ cũng phải kiêng dè mỗi khi đối đầu.
Mỗi khi Robin van Persie ra sân, các cổ động viên của Arsenal không ngừng hát về anh. Robin van Persie dần trở thành một tượng đài lớn trong lòng người hâm mộ ‘Pháo thủ’, một trong những học trò xuất sắc nhất của Arsene Wenger và cũng đang trên đường trở thành một huyền thoại tại Emirates. Mọi thứ đẹp tựa như mơ thì bỗng dưng một cú hít khiến tất cả đảo lộn: anh rời câu lạc bộ và gia nhập Manchester United.
Mùa hè năm 2012, giới truyền thông và toàn thể người hâm mộ bóng đá đều bị ‘sốc’ khi nghe tin Robin van Persie cập bến Old Trafford. Arsene Wenger khi đó đã nói với báo chí rằng: “Trong đời tôi chỉ chứng kiến hai sự phản bội khủng khiếp nhất trong bóng đá, đó là khi đội tuyển Tây Ban Nha từ bỏ lối chơi sở trường của họ và khi van Persie rời Arsenal.“. Anh đến Manchester United với một mục đích duy nhất là danh hiệu vô địch ngoại hạng Anh – thứ mà bao năm nay Arsenal đã không thể dành cho anh trong 8 năm gắn bó.
Tại Old Trafford, Robin van Persie mặc chiếc áo số 20 với ý nghĩa “Danh hiệu thứ 20 của Manchester United”. Cuối cùng, anh cũng đã toại nguyện khi cuối mùa giải ‘Quỷ Đỏ’ về nhất cuộc đua Premiere League và đem về phòng truyền thống của mình chiếc cúp vô địch giải đấu thứ 20. Đây cũng là lần thứ hai mà anh giành được danh hiệu ngay trong mùa bóng đầu tiên tại một câu lạc bộ mới, tuy nhiên khác xa với chiếc cúp FA mùa giải 2004-05, chiếc cúp vô địch Premiere League này rõ ràng là một đẳng cấp rất khác.
Năm 2013, Sir Alex Ferguson nói lời chia tay với làng túc cầu kết thúc sự nghiệp cầm quân lừng lẫy của mình tại Old Trafford cũng chính là lúc mà Robin van Persie bước đến dốc trược của cuộc đời mình. Anh bắt đầu xuống phong độ và không đóng góp được gì nhiều cho ‘Quỷ Đỏ’, để rồi câu lạc bộ bí mật bán anh sang Fenerbahce. Đến khi biết chuyện, Robin van Persie chỉ còn cách chấp nhận vì hợp đồng đã đến giai đoạn thực hiện.
Tại Fenerbahce anh thi đấu được ba mùa giải, ra sân 54 lần và ghi được 48 bàn thắng. Đầu 2018, anh trở lại thi đấu cho câu lạc bộ cũ Feyenoord Rotterdam khép lại một chuyến phiêu luân ngót ngét 14 năm trời từ kể từ cái ngày định mệnh mà ‘Giáo sư’ quyết đem anh về Highbury. Trong những năm tháng sang Anh thi đấu, trong tâm trí nhiều người Robin van Persie là điều gì đó vốn thuộc về Arsenal chứ không phải Manchester United. Nhưng trớ trêu thay, Old Trafford mới là nơi mà anh tìm được vinh quang.
Đối với nhiều người có thể Robin van Persie là một “Judas” bởi anh đã quay lưng lại với ông thầy cần mẫn chăm anh từng chút, rời bỏ nơi đưa tên tuổi anh bay xa và xát muối vào hàng triệu trái tim “Pháo thủ” đã trót khắc cốt ghi tâm cái tên Robin van Persie. Để rồi việc xóa cái tên đó khiến những người hâm mộ đau khổ, chật vật và hận thù. Họ đau khổ vì sự dứt áo ra đi quá vô tình của van Persie, chật vật những năm tháng sau đó không ai đủ đẳng cấp để thay thế anh và hận thù, có lẽ, vì họ đã trót yêu anh quá nhiều.
Đối với Robin van Persie, có lẽ chỉ mình anh mới biết được đâu mới là đội bóng anh yêu nhất. Chuyện đó có lẽ là của riêng với anh và không một ai có quyền nào để xâm phạm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng bóng đá là của cảm xúc, là của riêng những trái tim đã trót say mê những đôi chân dặm trường trên sân cỏ.
Đừng quên theo dõi trang KÝ ỨC WORLD CUP để cập nhật nhiều thông tin hữu ích từ truyền hình K+ nhé.