Có thể nói, đó là bài tổng kết World Cup 1982, một kỳ World Cup đầy ấn tượng với người Việt yêu bóng đá.
Tại sao gọi là kỳ World Cup đầy ấn tượng với người Việt yêu bóng đá? Đơn giản thôi, đây là kỳ World Cup đầu tiên mà người Việt Nam yêu bóng đá được cảm nhận sức hấp dẫn của giải vô địch thế giới bằng những trận đấu truyền hình trực tiếp.
Đừng quên theo dõi fanpage KÝ ỨC WORLD CUP nhé
Bình tĩnh là "luôn giữ được thái độ bình thường, làm chủ được tình huống" và cũng đồng âm với Bình - Tỉnh, tên của hai bình luận viên nổi tiếng nhất của thời bấy giờ của HTV (Đài truyền hình TPHCM): Trần Hòa Bình - Hà Nhật Tỉnh!
Ừm, thì "Cùng Bình - Tỉnh chờ bóng đá lúc nửa đêm" có nghĩa là thức cùng hai ông bình luận viên bóng đá. Nhưng tại sao xem bóng đá lại phải bình tĩnh? Vì phải chờ.
Từ năm 1978 trở về trước, World Cup đối với người Việt chỉ là theo dõi qua radio, báo hoặc "ăn đồ nguội" như hai kỳ 1974, 1978. Còn được xem trực tiếp truyền hình World Cup thì phải đến năm 1982 tổ chức tại Tây Ban Nha. Nhưng, cũng không phải được xem một cách chính thống, đường hoàng kiểu như bây giờ.
Đó là cứ để chuông đồng hồ đến 1h sáng reng một cái rồi dạy đủng đỉnh pha ly cà phê, làm tô mì gói rồi rung đùi ngồi chờ đến 1h45.
Năm 1982 ấy, ở TPHCM có một nơi được gọi là Đài Hoa sen. Bây giờ, ai đi qua góc đường Điện Biên Phủ-Phan Liêm (quận 1, TPHCM) sẽ thấy phía góc công viên Lê Văn Tám có một cơ quan mà trong đó chỉ lên trời mấy cái chảo parabol bắt tín hiệu vệ tinh.
Ông Nguyễn Hồng - nguyên Trưởng phòng Thể dục Thể thao HTV hồi tưởng: "Hồi ấy, Đài Hoa sen chủ yếu phục vụ cho ngoại giao, quốc phòng… Nhưng đến kỳ World cup 1982 thì nơi này cũng có được sóng trực tiếp của Liên Xô phát. Tôi là người được Ban giám đốc đài HTV cử sang làm việc với Đài Hoa sen để xin được tiếp sóng trực tiếp. Tuy nhiên, Liên Xô không phát đủ 52 trận đâu. Chưa kể, có nhiều hôm lịch báo từ hôm trước thì có, nhưng nửa đêm ngồi đợi mãi, đợi mãi hết sức nóng ruột. Lúc ấy mà có được tín hiệu thì mừng hơn bắt được vàng, còn không có thì đành xin lỗi người hâm mộ rồi đi ngủ như mọi người thôi. Cũng may mọi người cũng hiểu nên chẳng ai la mắng gì".
Nghĩ cũng nên hầu thêm một chuyện nữa liên quan đến người Việt, World Cup 1982 đã chứng kiến sự ra đời của một loại hình báo chí mới, đó là Tin nhanh.
Đơn vị khai sinh ra Tin nhanh World Cup chính là Thông tấn xã Việt Nam. Hồi ấy, cứ chiều chiều là người hâm mộ nô nức đi mua Tin nhanh, vì đội ngũ phóng viên của TTXVN ở các nước đã cung cấp những thông tin không dễ gì có được. Tuy nhiên, Tin nhanh đã cáo chung tại World cup 2014, trước sự phát triển vũ bão của báo mạng.
Năm 1982 ấy cũng là kỳ World Cup đầu tiên có 24 đội dự vòng chung kết. Vòng 1 đưa chia thành sáu bảng đá vòng tròn (36 trận). 12 đội đứng đầu vào vòng hai chia tiếp thành bốn bảng (12 trận). Rồi bốn đội đứng đầu đá bán kết theo mã số đã định sẵn và cuối cùng là tranh hạng ba, chung kết.
Cho đến giờ này, nếu hỏi tôi rằng đội nào xứng đáng vô địch World Cup 1982 nhất, thì tôi vẫn trả lời là Brazil! Và tôi nghĩ, hồi ấy rất nhiều người Việt cũng sẽ nói thế.
Brazil năm ấy do HLV Tele Santana dẫn dắt, đã mang đến Tây Ban Nha một đội hình tuyệt đỉnh gồm Zico, Falcao, Eder, Socrates… Trong đó, nhân vật tạo ấn tượng mãnh liệt nhất là Socrates, người mà giới mộ điệu đặt cho ông cái biệt danh "Nhà hiền triết".
Vua phá lưới và Quả bóng vàng của Espana 82, người hùng nước Ý năm đó - Paolo Rossi phát biểu: "Socrates giống như một cầu thủ đến từ một thời đại khác. Bạn không thể xếp anh ấy vào một hạng ngạch nào - trên sân cỏ cũng như trong các lĩnh vực khác. Tất cả mọi người đều biết đến tấm bằng bác sĩ cũng như việc anh ấy có rất nhiều mối quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Xét trên mọi quan điểm, ta đều thấy anh ấy rất độc đáo".
Nhưng Brazil tuyệt vời mà Socrates là đại diện tiêu biểu năm ấy, đã bị "ám sát" bởi một đội Ý thực dụng ở trận quyết định vòng đấu bảng giai đoạn 2. Tôi nhớ mãi cái chi tiết mà báo chí hồi ấy đưa tin, đó là Paolo Rossi đã nghiền ngẫm băng ghi hình về thủ môn Parez của Brazil - điểm yếu nhất của đội bóng xứ Samba.
Và Rossi phát hiện anh chàng thủ môn này có thói quen là cứ có bóng thì luôn ném ngay cho hậu vệ đội nhà gần nhất, không cần quan sát xem đồng đội có bị "canh me" hay không.
Và tiền đạo nhỏ thó nhưng có tốc độ xuất phát nhanh như điện là Rossi đã rình rập để chớp thời cơ, ghi được một bàn khỏe re trong hattrick mà anh lập được ở trận này, giúp Ý thắng Brazil 3-2.
Hay một cái chết khác của bóng đá đẹp là tuyển Pháp bị Đức hạ ở bán kết. Sau khi hòa 1-1 ở 90 phút, hai đội bước vào đá hiệp phụ. Đến phút 98 thì Pháp đã dẫn 3-1. Số phận tưởng đã an bài với Đức. Nhưng, đây là một trận đấu tôn vinh thương hiệu Ý chí Đức, khi họ vẫn lầm lũi thi đấu rồi gỡ hòa 3-3. Cuối cùng, Đức đã thắng trong cuộc thi sút luân lưu. Những người yêu bóng đá đẹp lại thêm một phen thổn thức.
Trong trận bán kết Đức - Pháp, còn có một tình huống đi vào lịch sử bóng đá như là một vết nhơ thủ môn Harald Schumacher của Đức trong một pha vào bóng ác ý đã khiến tiền đạo Patrick Battison của Pháp gãy xương sườn, ba cái răng và bất tỉnh nhân sự! Nhưng Schumacher không hề bị phạt thẻ, gây nên một làn sóng bức xúc về trọng tài.
Tôi cũng thật nể người Đức khi World cup 2006 diễn ra ngay tại Đức, họ đã trưng bày ba chiếc răng của Patrick như là một lời nhắc nhở đến sự xấu xí của bóng đá.
Cũng nói về sự xấu xí, năm ấy trong tuyển Ý có Gentile - hậu vệ chuyên "ám sát" bóng đá đẹp, và tên của anh ta lan truyền đến làng bóng Việt một cách tự nhiên rằng: chỉ cần nói một cầu thủ nào giỏi chơi xấu, chỉ cần nói đó là Gentile!