Henrik Larsson đứng trên bãi cỏ nơi anh lần đầu tiên học đá bóng. Đằng sau là khu chung cư mà anh đã sống hồi nhỏ, chiếc ban công mà mẹ anh sẽ đi ra để gọi anh về ăn tối. Trước mặt Larsson là những chiếc xích đu mà anh sẽ sút bóng vào đó, hay những cái ao mà anh sẽ chơi ice hockey vào mùa đông.
Närlunda là một khu nằm ngoại ô của Helsingborg, một thành phố bình lặng nằm gần mũi cực nam của Thụy Điển. Song, Närlunda là một khu vực phức tạp, và Larsson cũng vậy. Anh hết lòng vì đất nước nhưng đồng thời cũng không chắc về danh tính của chính mình.
“Tôi thấy mình như một người nước ngoài”, Henrik Larsson nói và nhìn lên khu chung cư. “Tôi không biết mình là ai, thực lòng là vậy. Tôi biết mình đã ra sân 106 lần cho đội tuyển Thụy Điển. Tôi biết mình là người Thụy Điển nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận mình hoàn toàn là người con Thụy Điển. Tôi phải tôn trọng nguồn gốc của cha mình (Cape Verde). Tôi nghĩ mình chỉ cảm thấy chất Thụy Điển cho đến khi gặt hái thành công trên sân cỏ. Khi bạn chẳng là ai thì đâu có vấn đề gì. Khi bạn đã có địa vị, bạn là một phần của xã hội này. Sau đó, mọi người quên luôn bạn đến từ đâu, chủng tộc của bạn là gì”.
Cảm giác khác biệt đó, cũng là điều Zlatan Ibrahimovic chia sẻ về quá trình lớn lên ở gần Malmö, vẫn đọng lại trong Larsson, dù Helsingborg đã vinh danh người con nổi tiếng của mình bằng việc dựng một bức tượng của anh vào năm 2011.
“Có nhiều người ngoại quốc sống ở đây, họ đến từ Nam Tư, Hy Lạp, Phần Lan. Nhưng ở khu vực này, tôi là người duy nhất có màu da sẫm hơn. Ở đây tôi đã đánh nhau vài trận. Nếu họ gọi tôi bằng những từ kỳ thị chủng tộc, tôi không ngần ngại đối đầu. Tôi nghĩ tinh thần đó của tôi xuất phát từ gia đình. Tôi phải đứng lên để bảo vệ chính mình, bởi quá trình trưởng thành của tôi không hề dễ dàng. Tôi có 2 lựa chọn: Nằm xuống và khóc hoặc phải đối phó với nó. Tôi chọn phương án hai”.
Để rồi từ đó bóng đá Thụy Điển có một huyền thoại. Nhìn lại sự nghiệp của Henrik Larsson, nếu không có anh, Barcelona có lẽ sẽ chẳng thể giành chiến thắng trận chung kết Champions League khi anh đóng góp 2 pha kiến tạo. Người hâm mộ Manchester United có lẽ cũng đã tự hỏi liệu CLB sẽ mạnh mẽ thế nào nếu họ có anh trong thời đỉnh cao.
Sau tất cả, Celtic là nơi định nghĩa nên sự nghiệp của Larsson, là nơi mà anh là “Vua của những vị vua”. Trong 7 mùa giải rực rỡ khoác đội bóng thành Glasgow, Larsson ghi 242 bàn trong 315 lần ra sân, trong đó bao gồm 35 bàn trong 58 trận ở cúp châu Âu. Năm 2001, Larsson vượt qua Hernan Crespo để đoạt Chiếc giày vàng châu Âu với 53 bàn trong mùa giải. Không ít người còn coi tiền đạo Thụy Điển là cầu thủ vĩ đại nhất CLB.
Anh chia sẻ: “Những cầu thủ mà Martin O’Neill mang về đã giúp tôi chơi tốt. Chris Sutton, Alan Thompson, John Hartson… Chúng tôi có một đội hình xuất sắc. Chúng tôi đánh bại Blackburn và Liverpool trên đường tiến vào chung kết UEFA Cup 2003 với 16 hay 17 tuyển thủ trong đội. Khi đó Celtic và Rangers mạnh hơn bây giờ”.
Larsson gia nhập Celtic năm 1997 sau quãng thời gian đầy biến động ở Feyenoord. Anh đã giúp Thụy Điển giành vị trí thứ ba ở World Cup 1994, nhưng Feyenoord thì không thể phát huy hết nội lực của Larsson. Khi Wim Jansen, huyền thoại Feyenoord, được bổ nhiệm làm HLV trưởng Celtic, Larsson chính là bản hợp đồng đầu tiên của ông. Tiền đạo người Thụy Điển với mái đầu dreadlocks được truyền cảm hứng từ Ruud Gullit và Bob Marley đã ghi 16 bàn để khiến Rangers không thể giành 10 chức vô địch liên tiếp.
Sự khởi đầu của kết thúc là trận chung kết UEFA Cup. Celtic đã thất bại 2-3 trước Porto của Jose Mourinho, dù Larsson lập một cú đúp. “Tôi vẫn chưa quên được thất bại đó. Tôi ước mình có thể làm nhiều hơn, vì tôi biết ý nghĩa của danh hiệu ấy với cổ động viên Celtic. Đã có hơn 50000 người hâm mộ Celtic tại Seville”, danh thủ 52 tuổi chia sẻ.
Ngay sau đó, Larsson đã thông báo CLB rằng mùa giải kế tiếp sẽ là mùa giải cuối cùng của anh ở CLB. Cuộc chia tay của anh trước khán giả trên sân Celtic Park diễn ra đầy xúc động và cuộc phỏng vấn bên cạnh Martin O’Neill đã trở thành huyền thoại với người hâm mộ Celtic.
Anh tâm sự: “Tôi thường không thể hiện cảm xúc, nhưng tôi là người rất dễ xúc động. Tôi đã dành 7 năm ở Celtic và nếu rời đi mà không rơi giọt lệ nào thì không đúng cho lắm. Tôi không chủ đích mình sẽ khóc mà đó là điều trái tim mách bảo. Hơn nữa, tôi thường không thể hiện nhiều cảm xúc nên tôi nghĩ mọi người cũng có chút bất ngờ.
Tôi nhận được khoảng 30 lời đề nghị sau khi tuyên bố rời Celtic, chúng từ Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và một số từ UAE. Lúc đó vợ tôi gọi điện nói rằng Barcelona quan tâm bởi tôi đang tập trung cùng đội tuyển Thụy Điển ở Euro 2004. Tôi trả lời ‘Em hãy bảo họ là phải đợi’ bởi tôi không muốn bị phân tâm. Cô ấy cười và đáp: ‘Em nghĩ họ sẽ không đợi đâu’. Thế là cô ấy đi thẳng đến Tây Ban Nha cùng người đại diện của tôi để đàm phán hợp đồng.
Rõ ràng phòng thay đồ ở đó khác với Celtic. Khi tôi đến Barcelona, ở đó có Ronaldinho, họ cũng chiêu mộ Deco, Giuly, Samuel Eto’o cùng thời điểm với tôi. Tôi rất thích thú vì không còn là nhân vật chính nữa, lúc này Ronaldinho là người gánh vác áp lực. Và anh ấy đã xử lý nó hoàn toàn khác”.
Larsson được yêu mến ở Barcelona vì những bàn thắng và sự tận tụy. Song, suýt chút nữa anh đã không có tên trong danh sách đăng ký cho trận chung kết Champions League 2006. Trước đó, anh và Lionel Messi đều dính chấn thương gân khoeo trong buổi tập. “Tôi và và Messi va chạm với nhau, nhưng cậu ấy ngồi trên khán đài còn tôi ngồi dự bị. Messi lúc đó không phải cầu thủ sau này chúng ta biết. Cậu ấy giỏi, nhưng lúc đó chưa bùng nổ như 1-2 năm sau. Và đối đầu với một đội bóng Anh, Frank Rijkaard biết tôi quen với điều đó: Một trận đấu thể lực”.
Và Thierry Henry sau này cũng phải thừa nhận: “Nếu bạn muốn nói về người đã tạo ra khác biệt thì đó là Henrik Larsson với 2 pha kiến tạo. Tôi thấy không phải Ronaldinho hay Eto’o”.
Larsson rời Barcelona mùa hè đó sau khi đã ghi bàn vào lưới đội tuyển Anh ở World Cup. Sau ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm ấy, Larsson vẫn duy trì phong độ ổn định ở tuổi 34 và quyết định trở về Helsingborg, nhưng không thể thiếu cú twist mang tên Manchester United. Cựu danh thủ Thụy Điển chỉ khoác áo đội bóng chủ sân Old Trafford 3 tháng nhưng đã chinh phục các đồng đội và cả Sir Alex Ferguson.
“Khi tôi gia nhập Manchester United, anh trai tôi làm lễ rửa tội cho con trai. Tôi đã hỏi Sir Alex liệu mình có tham dự được không. Vậy là ông ấy sắp xếp một chiếc chuyên cơ cho tôi về nhà ngay sau trận đấu. Tôi chỉ ở đó 10 tuần nhưng ông ấy khiến tôi cảm thấy như ở nhà. Tôi sống ở khách sạn Lowry và Louis Saha, Patrice Evra thường rủ tôi đi ăn, Wayne Rooney cũng vậy. Tôi cảm nhận được họ thực sự quan tâm, vì thế cũng muốn đáp lại thịnh tình đó. Khoác áo Manchester United là một vinh dự”.
Lần gần nhất Henrik Larsson liên quan đến bóng đá là quãng thời gian làm trợ lý cho Ronald Koeman ở Barcelona. Bây giờ, ông đã hết yêu môn thể thao ấy. Huyền thoại Thụy Điển nói: “Tôi quá mệt mỏi với trò chơi này rồi. Tôi cảm thấy khi làm HLV ở Barcelona, tôi chỉ muốn kiểm tra một lần nữa những gì tôi đã biết. Yêu cầu là rất khắt khe. Điều đáng buồn là cách Koeman và chúng tôi bị sa thải. Tôi mệt mỏi với bóng đá vì bây giờ nó đặt nặng tiền lên đầu hơn bao giờ hết. Tôi hiểu mình đã kiếm được nhiều tiền trong sự nghiệp. Bạn không thể so sánh thu nhập của tôi với một công nhân nhà máy được. Nhưng khi làm cầu thủ chuyên nghiệp, tôi chưa bao giờ bận tâm đến tiền bạc. Tôi chỉ thích chơi bóng và yêu bóng đá mà thôi.
Thập niên 90, tôi đã có cơ hội đến Manchester United từ Celtic. Ở đó tôi đã có thể kiếm nhiều tiền hơn (cơ khoảng 10000 hoặc 15000 bảng mỗi tuần). Nhưng lúc đó tôi vừa rời khỏi Feyenoord sau 3 năm rưỡi nhiều thăng trầm. Tôi đã tìm được chính mình ở Celtic và muốn tiếp tục như thế. Chúng tôi thi đấu ở UEFA Cup, tôi khoác áo Thụy Điển. Thế nên tôi cảm thấy không cần đi đâu cả. Tôi đã không trở thành siêu sao ở Barcelona mà là siêu sao ở Celtic”.
---- Hãy cùng truyền hình K+ tìm lại những ký ức World Cup xưa nhé ---